
TẦM SOÁT ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ (GDM)
- Tất cả thai phụ nên được xét nghiệm tầm soát Đái tháo đường thai kỳ (GDM) bằng cách đo mức độ đường huyết từ tuần 24-28, vì từ 24 tuần tuổi thai thì các hormone gây kháng insulin tăng có ý nghĩa dẫn đến tình trạng tăng đường huyết trong thai kỳ nếu như thai phụ không đủ khả năng tiết insulin. Việc tầm soát sớm GDM (trong 3 tháng đầu) được thực hiện trên những thai phụ béo phì (BMI lớn hơn 25) và có ít nhất một yếu tố nguy cơ sau:
+ Kém vận động thể lực
+ Tiền căn sinh con lần trước lớn hơn hoặc bằng 4000g
+ Tiền căn GDM trong lần mang thai trước
+ Tăng huyết áp hoặc bệnh lý tim mạch
+ HDL < 35 mg/dl hoặc triglyceride > 250mg/dl
+ Phụ nữ bị Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
+ HbA1c > 5,7%
- Đối với thai phụ bị GDM nên được thực hiện xét nghiệm tầm soát lại sau 4-12 tuần sau sinh, ngoài ra ADA và ACOG còn khuyến cáo lập lại xét nghiệm mỗi 1-3 năm đối với thai phụ bị GDM và có kết quả tầm soát sau sinh bình thường.
CÁC XÉT NGHIỆM OGTT
- Test dung nạp glucose đường uống (OGTT) một bước: ADA và IADPSG khuyến cáo thực hiện OGTT một bước cho chẩn đoán GDM và phương pháp này được sử dụng rộng rãi ở nước ta.
+ Thực hiện 8 giờ sau ăn và chế độ ăn carbohydrate bình thường trong 3 ngày trước đó.
+ Đo glucose máu lúc đói
+ Pha 75g glucose trong 200ml nước, uống trong 3-5 phút (không hút thuốc, ăn, hay uống nước ngọt trong khi làm xét nghiệm)
+ Đo glucose máu sau 1 giờ và 2 giờ.
+ Kết quả bình thường khi glucose máu:
- Lúc đói: <= 92 mg/dl (5,1 mmol/l)
- Sau 1 giờ: <= 180mg/dl (10 mmol/l)
- Sau 2 giờ: <= 153 mg/dl (8,5 mmol/l)
+ Nếu có ít nhất một giá trị trên ngưỡng thì chẩn đoán GDM
- Test OGTT hai bước: Phương pháp này được sử dụng rộng rãi tại Mỹ. Bước một, thai phụ được uống 50g glucose (không cần nhịn ăn trước đó) sau đó đo glucose máu sau 1 giờ, nếu glucose máu hơn ngưỡng 130-140mg/dl thì thai phụ có nguy cơ bị GDM, sau đó chuyển sang bước hai. Bước hai, cho thai phụ uống 100g glucose pha trong 250-300ml nước (nhịn ăn trước đó 8 tiếng ) đo glucose máu lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ và so sánh với ngưỡng glucose máu. Chẩn đoán GDM khi có ít nhất 2 giá trị trên ngưỡng.
- So sánh giữa 2 phương pháp OGTT: trong một nghiên cứu năm 2018 trên 2500 thai phụ cho thấy so với phương pháp OGTT hai bước thì OGTT một bước có nguy cơ thấp hơn về kết cục thai nhi như hạ đường huyết sơ sinh, nguy cơ trẻ sơ sinh nhập NICU, cũng như giảm nguy cơ sinh mổ và tăng tỉ lệ thai phụ được chẩn đoán GDM hơn.
PHÂN BIỆT D-GLUCOSE VÀ L-GLUCOSE
- DGlucose và L-Glucose là 2 đồng phân đối quang với nhau. Theo mô hình Fisher thì D-Glucose có 3 nhóm –OH nằm bên phải và 1 nhóm –OH nằm bên trái, trong khi đó L-Glucose thì ngược lại (3 nhóm –OH nằm bên trái và 1 nhóm –OH nằm bên phải).
- DGlucose và L-Glucose đều là monosaccharide, tuy nhiên, D-Glucose có nhiều trong tự nhiên và là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu của vi sinh vật vì được phosphoryl hóa bởi hexokinase trong khi đó L-Glucose thì không, do đó L-Glucose có thể phù hợp cho người bị đái tháo đường.
TẠI SAO TRONG ỐNG NGHIỆM LẤY MÁU ĐO GLUCOSE LẠI CÓ NAF ?
- NaF được sử dụng lần đầu vào năm 1941 với tác dụng kháng ly giải glucose của hồng cầu, nên người ta thấy rằng dùng NaF sẽ giúp giữ nồng độ glucose trong thời gian dài sau khi lấy máu.
- Tuy nhiên, trong một nghiên cứu năm 2014 khi so sánh việc dùng NaF hoặc serum trong việc giữ nồng độ glucose sau lấy máu thì hầu như không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nếu thời gian lấy máu đến lúc đo glucose máu nhỏ hơn 2 giờ hoặc có thể nhiều ngày nếu bảo quản ở nhiệt độ thích hợp (4oC), nhưng nếu thời gian đo glucose sau lấy máu hơn 2 giờ mà không được bảo quản trong môi trường thích hợp thì dùng NaF sẽ có ích hơn cho việc đo nồng độ glucose sau đó.
TÀI LIỆU THAM KHÁO
- ACOG PRACTICE BULLETIN, Gestational Diabetes Melltus, Number 190 (2018)
- Celeste Durnwald, MD, Gestational Diabetes Mellitus, Uptodate (2022)
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4289486/?fbclid=IwAR32JvtPhqNAfxp3w_GgLwxE71rfe9bMzqro2jvG2kA9m5sGVKmXC8XDczg